VỀ CÁI THỜI NÀY TÔI MỚI CẮT NGHĨA CÁI QUÂN
TRỊ CHỦ NGHĨA TỨC LÀ NHÂN TRỊ CHỦ NGHĨA
Ông Tần Thủy Hoàng
khi mới lên làm vua thì ông làm cái gì? Ông đặt ông là ông vua đầu; ông truyền
cho đến muôn nghìn đời về sau; ông sợ dân khôn nên ông đốt sách; ông sợ học trò
chống cãi lại nên ông chôn sống học trò; sợ để gươm giáo trong dân gian nhiều thì
dân nó nổi giặc; nên ông phá ra đúc làm tượng để chơi! Phá mấy cái thành cao,
lấp mấy cái ao sâu, không cho dân dựa đó mà chống lại nhà nước. Lại tin cái câu
sấm "Vong Tần dã Hồ" mà bắt cả dân già trẻ đi đắp Vạn Lý Trường
Thành, khổ não biết bao nhiêu. Cái mối loạn phát ra từ đó.
Ông làm như thế
thì ông tưởng có cái gì mà sợ nữa. Ông làm ra cái cung điện A Phòng, bỏ vài ba
nghìn con gái đẹp vào để chơi. Ông làm ra cái lăng Ly Sơn dài ba bốn dặm, có
đàng cách đạo, trùng thành; còn nhiều cái sang đẹp nữa. Ông lấy chữ
"Trẫm" để cho mình ông Hoàng Đế xưng mà thôi. Đời xưng hễ xưng
"hoàng" là "hoàng", xưng "đế" là "đế",
khi trước đạo Nho lấy "vương" là quý, ông chỉ phong cho đầy tớ mình
mà thôi. Sung sướng đặng bao nhiêu, chưa đầy 13 năm đã bị thằng Triệu Cao nó
giết, rồi thiên hạ lại vào tay nhà Hán, quân chủ lại vào tay nhà chuyên chế
khác nữa. Đó! Xin các ngài nghe rõ một khúc này nữa. Nay những ông Nho học ở
nước ta, các ông yêu mến đạo Nho mà các ông ghét nhà Tần biết bao nhiêu; vì các
ông thấy nhà Tần bội đạo Nho. Nhưng mà ông vua của các ông có xấu thế nào các
ông cũng cứ vì với Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ chớ không khi nào các ông
ví với vua Tần.
Như mà các anh em
thử nghĩ xem, vua mà xưng "Trẫm" là theo đạo Nho hay là theo Tần? Vua
mà xưng là "Hoàng Đế" thì theo đâu! Vua mà có luật giết ba họ người
thì có phải theo họ Tần không? Vậy mà ông vua nói mình theo đạo Nho; tự ông nói
vậy là phải; các quan nịnh theo vua thì họ nói theo cũng phải đi, bọn đó không
kể; còn các ông đồ già cũng rán gân cổ lên mà cãi rằng: Vua mình theo đạo Nho!
Triều đình mình sùng đạo Nho! Nước nhà mình theo đạo Nho! Dân mình theo đạo
Nho!
Vậy thì đạo Nho ở
đâu? Do nhà Hán đến nhà Đường, do nhà Đường đến nhà Tống, do nhà Tống đến nhà
Nguyên, do nhà Nguyên đến nhà Minh, do nhà Minh đến nhà Thanh, nghĩa là trong
độ 2.200 năm đó, cách chính trị của Hán cũng không có gì rộng rãi công bình;
nhưng Hán cũng còn hơn Đường, Đường cũng còn hơn Tống,Tống cũng còn hơn Nguyên,
Nguyên cũng còn hơn Minh, Minh cũng còn hơn Thanh.
Xét cái lịch sử
quân chủ ở Á Đông này thì chúng ta biết rằng từ Tần Thủy Hoàng về sau, các nước
nói theo đạo Nho đó kỳ thật trong nước không có thi hành một chút đạo Nho nào,
chỉ còn xót lại một hai điều ở trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy
ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén Dân.
CÁCH CHUYÊN CHẾ Á
ĐÔNG KHÉO HƠN ÂU CHÂU THẾ NÀO ?
Vua Âu Châu ở xứ
thượng võ, cho nên làm cái gì cũng hung hăng mà ngay thật, cho đến sự độc ác
cũng vậy. LÚC TRƯỚC MUỐN ĐÈ NÉN DÂN THÌ PHẢI THÔNG ĐỒNG VỚI GIÁO HỘI, bày đặt
ra nói ông vua là ông Thần Trời, thay mặt cho Thần Trời, hay Thần Trời hóa
thành ra; nghĩa là ông vua không phải một loài với dân thì dân phải tôn kính
ông vua. Nhưng mà những cái đó là cạn cùng giả dối, chỉ có phỉnh dân ngu được
một lúc mà thôi, cho nên sau rồi ở Âu Châu cái dân quyền càng mạnh chừng nào
thì quân quyền càng xếp lại chừng nấy.
Vua Á Đông thì họ
không làm như thế. Họ lựa ở trong các lời nói của ông Khổng ông Mạnh, hoặc ở
trong sách cổ có những câu nói có nhiều ý nghĩa để họ dựa vào đó; họ lập ra
pháp luật để bó buộc cai trị dân; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ
cũng cứ xưng họ là người, chẳng những họ không đứng ra cái ngoài hàng bà con
của dân mà họ lại đứng ra vào cái hàng thân thiết của dân, như là ta nói "quân,
sư, phụ", lại thường nói "Vua, Cha, Chồng".
Dù ở chốn hương
thơm rách nát không biết ông vua thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha,
thầy, chồng thì họ cũng đứng vào đám thân thiết. Dân ngu thì họ cứ kính cứ yêu,
chứ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta, chớ
có khi nào làm hại làm ác như thế. Còn khi cha mẹ đẻ ta ra, thì, đói, no, sống,
chết, thế nào cũng ở trong tay mẹ ta, nào ông vua có biết đến đâu. Thế mà đến
hồi tuổi ta lồng lộng lớn lên thì đánh một tiếng là "Tôi trời con
vua". Ông vua muốn cho sống thì được sống, ông vua muốn cho chết thì phải
chết, ta không có thể chối cãi lại được, là nghĩa lý gì? Dân bên Âu Châu thượng
võ, cho nên dòng quý tộc chư hầu phải có võ công mới lên được, mà đã lên được
thì khó mất lắm.
Còn bên Á Đông
này, cái cách quí tộc lại chuộng thi văn, mà trong thi văn đó ai đậu mới được
làm quan, ai không đậu thì thôi, bên quan võ thì chỉ hồi có giặc hay là hồi
khai quốc mới có người tài thật, kỳ dư thì võ chức chỉ là để thưởng cho những
người dốt nát. Thí dụ như một người đi lính từ 20 tuổi đến 50 tuổi,thì thế nào
cũng lên được chức Lãnh binh, Đề đốc hưởng được cái mùi phú quý ít năm, nghĩa
là mình ăn ở miễn sao cho người ta đừng ghét là được.
Ấy là cái mưu quân
chủ rèn tập cái trí dân ở Á Đông là cho khờ khĩnh. Ta thí dụ nước ta đã mất
nước mấy mươi năm rồi, mà đến kỳ thi ai cũng khí khủm lo cho đậu được một chút
mới thôi. Hễ đậu được thì cho là mồ mả ông cha có phúc. Còn người có thế hay là
có tiền thì cũng vác đi lo làm quan, cũng kiếm một cái hư hàm.
Chừng chúng ta đi
ra Hà Nội, ra Huế, ta thấy những bọn mang thẻ bài ngà nó đi đụng đầu với nhau,
còn một bọn thì đang vác tiền đi lo, thì ta cho là bọn điên cuồng ngu dại, ta
không biết cái óc chúng nó ra thế nào, nhưng mà ta biết rằng cái giống đó là
giống đã gieo mầm từ các đời vua trước đã mấy nghìn năm rồi. Nói tóm lại cách
chuyên chế ở Á Đông này tôn lên mấy lời tà thuyết, như là câu "lọt lòng mẹ
ra đã phải chịu cái nghĩa vua tôi".
Nhưng mà ta có
biết rằng "quân thần dĩ nghĩa hiệp" là nghĩa làm sao? Vậy cho nên có
người họ chán, họ bỏ đi ẩn thì bọn chuyên chế nó lại lập ra cái luật "hữu
tài bất di quân dụng" nghĩa là có tài mà không cho vua dùng, nó lập ra cái
luật "yêu quân", nghĩa là nũng vua, để mà phạt bọn người ấy. Nó sợ
rằng dân biết chính trị nhiều thì dân nổi lên cách mạng, cho nên nó cấm học trò
và dân không được nói đến chính trị. Hết thảy những cách chuyên chế đó, nghĩa
là họ bảo dặn rằng: "Mày muốn làm gì làm, nhưng đừng động đến cái ngôi vua
của con cháu tao".
Có hay đâu giữ
khéo thì dân trong nước không động đến ngôi vua của con cháu họ thật, nhưng mà
ngoại quốc đến lấy thì dễ như chơi, bởi vì dân nó ngu! Nó không biết nước là
cái gì cả. Ta thử xem cái gương nhà Tống trước thì mất với Liêu, rồi sau mất
với Kim, rồi sau mất với Mông Cổ. Còn nhà Minh thì mất với Mãn Châu, Cao Ly thì
mất với Nhật, Việt Nam thì mất với Tây.
Thương hại thay
trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến lợi hại dân tộc, chỉ lo tính
toán để đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi Thiên Tử
cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu, dân đã ngu thì nước phải yếu, vua quan
lại nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu
dân ngu quá, yếu quá không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy
là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất. Cho nên xưa nay cái
ngôi vua thay đổi luôn, cũng như cái ghế hạng nhất ở rạp hát vậy.
CÁI QUÂN CHỦ LỢI
HẠI THẾ NÀO?
Vậy bây giờ ta tóm
lại để coi cái lợi hại về quân chủ như thế nào, thì ta thấy bất kể là Á là Âu,
ở xứ nào, dân tộc nào mà lập thành nước để đến bây giờ, đều là nhờ những anh
hùng hào kiệt đời xưa, họ ra cầm đầu cho dân, ngoài thì đối phó với các dân tộc
khác, trong thì sửa sang lại việc hòa bình ở trong nước. Những cái công đức của
các ông đó ta cũng nên khen ngợi, đáng nghi nhớ, chớ không phải không. Còn cũng
có dòng dân, trước còn đứng được, sau lại không có anh hùng hào kiệt đứng ra
chống chỏi, thì lại bị nước khác nuốt mất. Xem vậy thì cái lợi của quân chủ ở
đời thượng cổ quý không gì bằng. Tuy các ông cũng có mưu về lợi riêng, nhưng
chúng ta cũng có thể tha thứ được.
Còn cũng có một
cái dịp dùng cái quyền quân chủ rất tốt, như nước Nhật nước Xiêm, khi người Âu
Châu mới qua thì dân còn ngơ ngác không biết gì, thế mà nhờ trên có vua anh
hùng, dưới có các quan tài trí, đem đường chỉ lối cho dân tấn tới lại càng mau.
Vậy thì cũng là một sự hay. Còn từ đó sắp sau, chỗ nào dân không thể nhờ được
dịp đó thì cái quân chủ là một đồ vô dụng.
Ta xem bên Tàu 30
năm trước, vua Quang Tự đã hạ chiếu duy tân, vì có một người thiếp của cha, mê
trai, tham của, không chịu thay đổi chính trị, chẳng những làm cho dòng vua Mãn
Châu mất, mà làm cho Tàu đến nay hãy còn khốn đốn. Vua Cao Ly, bên vợ thì duy
tân, bên cha thì thủ cựu, đánh nhau mãi, giết nhau mãi, rút cuộc lại cha mẹ thì
bị ở tù, vợ thì bị giết, mình thì hai tay bưng nước đưa cho Nhật, rồi bị cách
chức.
Nhắc đến ông vua
nước ta là ông Tự Đức mà đến bây giờ mấy ông quan già và mấy ông đồ già còn ca
tụng là "Thánh Quân", khi người Tây mới qua, quan binh thì cũng có
như ông Nguyễn Tri Phương, như ông Võ Trọng Bình xin đánh, mà nói có muốn đánh
thì phải xuất tiền đi ngoại quốc mua súng ống về mới có thể đánh được.
Nhưng mà ông vua
ấy có tính thương tiền tiếc bạc, cứ muốn chôn dưới đất, chẳng muốn đem mua cái
gì cả, ông trả lời với các quan binh rằng: "Các anh muốn đánh thì đánh,
nhưng mà nếu các anh đánh không hơn thì các anh mới để mẹ con trẫm vào
đâu?" Làm ép cho mấy quan võ như Võ Trọng Bình bỏ về, còn ông Nguyễn Tri
Phương để cho Tây bắt, rồi không ăn mà chết. Cũng có người học thức như ông
Nguyễn Trường Tộ, khuyên vua dạo qua bên Tây, xem xét cái văn minh của họ rồi
cho người qua học, các quan văn cũng có nhiều người xin thế, mà ông vua trả lời
rằng: "Nhật nó là dòng Mọi, Xiêm nó là dòng Mọi; Mọi thì nó học với Mọi
được, chớ như ta là con Thần cháu Thánh, lẽ nào ta lại đi học với Mọi hay
sao?"
Thôi! Tôi không
đoán cái hay cái dở của ông vua đó, để các Ngài nghe rồi các Ngài sẽ đoán xét
các ông vua đó là ông vua gì. Mẹ con ông chết thì có chỗ chôn, còn mẹ con hai
mươi triệu bơ vơ đến bây giờ đó thì sao? Bọn mà ông cho là mọi rợ thì bây giờ
nó đã tấn tới hết cả. Hai mươi triệu khi xưa không đến mọi rợ mà bây giờ chẳng
những hóa ra mọi rợ, mà lại hóa ra tôi đòi hèn hạ nữa!